Sinh viên nhiều trường đại học bắt đầu quay trở lại trường học trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao. Không ít bạn trẻ lo ngại về khả năng lây nhiễm, di chứng hậu COVID-19 hay đối diện với khó khăn trong thuê nhà trọ, chi phí học tập… Các chuyên gia cho rằng, cách thức vượt qua nỗi sợ hãi là đối diện với nó chứ không phải né tránh.
Nhiều khó khăn, thách thức
Tại hội thảo “Trở lại trường học sau đại dịch – biến thách thức thành cơ hội” do Trung tâm Hỗ trợ Giảng dạy, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa tổ chức, TS Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN, đã dẫn ra những con số đáng suy nghĩ về những khó khăn, thách thức cũng như mong muốn của người học.
Khảo sát hơn 1.500 sinh viên đến từ 13 đơn vị khác nhau trong ĐHQGHN cho thấy mức độ sẵn sàng quay trở lại học trực tiếp chỉ đạt điểm 5,26/10. Trong đó, số lượng sinh viên chọn thang điểm 1-3 thể hiện sự hoàn toàn không sẵn sàng chiếm khoảng 35%, tuy nhiên, mức điểm từ 6 đến 10 cũng chiếm hơn 1 nửa trọng số. Qua đây có thể thấy rằng sinh viên không hẳn không muốn đến trường nhưng tâm lý và sự e ngại, lo lắng còn lớn.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, 56,7% sinh viên cảm thấy bản thân sẽ gặp phải khó khăn khi quay trở lại học trực tiếp với nhiều lý do khác nhau, trong đó nhiều nhất là khả năng có thể bị lây nhiễm COVID-19, di chứng hậu COVID-19. Xếp sau đó là khó khăn tài chính, thay đổi thói quen học tập, thuê nhà trọ…
Từ đó, sinh viên bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà trường như: Được tạo điều kiện và hỗ trợ trong học tập (26,3%); có quy định và chính sách cụ thể với các sinh viên mắc COVID-19 hoặc có nguy cơ mắc COVID-19 trong quá trình học tập (24,1%); Kiểm soát dịch bệnh để giảm thiểu nguy cơ mắc COVID-19 (13,1%); Có hoạt động để sinh viên làm quen lại/hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt (6,1%)…
Từ kết quả khảo sát, TS Nghiêm Xuân Huy đặt vấn đề các nhà quản lý, giảng viên cần “thấu cảm người học” để giải quyết bài toán đảm bảo chất lượng dạy học khi sinh viên trở lại trường học sau đại dịch COVID-19.
Bổ sung thêm những thách thức trong tâm lý, PGS-TS Trần Thành Nam – chuyên gia tâm lý, chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN – cho biết thời gian qua, sinh viên, học sinh và ngay cả giảng viên, giáo viên đã gặp nhiều khó khăn khi học tập và làm việc tại nhà, thay đổi lịch sinh học, Weekday Saturday – động cơ tham gia vào môi trường online yếu hơn, cô đơn, mất tập trung, không thực sự kết nối với việc học, bị làm phiền liên tục, bị phân tán bởi việc nhà, dễ tự thưởng, mải chơi và đặc biệt dễ bị tổn thương sức khỏe tâm thần…
Các nghiên cứu tổng kết lại hiện tại các bạn học sinh, sinh viên khi cách ly, học ở nhà quá lâu thường gặp phải 6 nhóm vấn đề tổn thương cơ bản. Trong đó, có hội chứng trì hoãn ngủ.
PGS-TS Trần Thành Nam chỉ ra rằng 80% học sinh, sinh viên đã và đang có biểu hiện tổn thương sức khoẻ tinh thần với nhiều dấu hiệu như khó khăn về ăn ngủ, mất tập trung, buồn chán, không hứng thú và dễ khó chịu, ít thông cảm và chu đáo hơn, thường xuyên bị đau đầu, không hiểu bài giảng… Đến thời điểm hiện tại, nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước thấy rằng giai đoạn vừa rồi tỉ lệ lo âu, trầm cảm tăng lên đến 700%.
“Cách thức vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó chứ không phải né tránh mãi. Né mãi cũng không phải là giải pháp và thậm chí còn làm chúng ta lo sợ hơn. Hãy giúp các bạn phân biệt được nguy cơ với xác suất xảy ra. Vì vậy, nhà trường cần luôn đồng hành cùng các bạn để bảo vệ bản thân chính mình an toàn khi trở lại trường trong bình thường mới” – ông Nam chia sẻ.
Điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập
PGS-TS Phạm Kim Chung – Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN nhấn mạnh dạy học trực tiếp là cơ hội để sinh viên được học một cách toàn diện.
Để đảm bảo an toàn cho sinh viên, mỗi người thầy là người truyền cảm hứng, khuyến khích sáng tạo, hứng khởi cho sinh viên, giúp sinh viên cảm thấy được an toàn khi tham gia học trực tiếp trong đại dịch.
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh các vấn đề liên quan đến đào tạo, giảng dạy, ông Chung cho rằng thầy cô và nhà trường cũng cần có sự điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, khả năng tiếp thu của sinh viên.
“Một câu hỏi đặt ra là làm sao để công bằng, minh bạch trong quá trình đánh giá, ngay cả việc đánh giá những sinh viên vì một số lý do như mắc COVID-19, trở thành F1… không thể đến trường học trực tiếp? Để làm được điều này, tôi cho rằng chúng ta cần thay đổi triết lý. Thay vì kiểm tra sinh viên thông qua những bài viết hay câu hỏi vấn đáp, hiện nay, ta cần hướng đến việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập thông qua các sản phẩm mà sinh viên tạo dựng. Đó có thể là các bài viết tổng hợp nội dung kiến thức hay video thuyết trình về một vấn đề nào đó.
Để việc đánh giá này trở nên hiệu quả, giáo viên cần lưu ý đưa ra một quy chế đánh giá sản phẩm của sinh viên để các bạn hiểu và thực hiện theo đúng yêu cầu” – ông Chung chia sẻ. Tuy nhiên, theo PGS-TS Phạm Kim Chung, việc đánh giá kết quả học tập thông qua các sản phẩm và sinh viên xây dựng cũng tồn tại một vài hạn chế, nhất là việc kiểm tra theo hình thức này sẽ gây “quá tải” cho giảng viên. Để khắc phục điều này, giảng viên có thể sử dụng phương pháp đánh giá đồng đẳng, tức là để các em sinh viên đánh giá với nhau, từ sản phẩm của bạn có thể chia sẻ quan điểm của mình, ông Chung đề xuất. Bổ sung thêm, TS Nghiêm Xuân Huy chia sẻ ứng dụng hệ thống quản lý học tập để dạy học linh hoạt và sáng tạo, giúp thầy trò có cái nhìn tổng quan trong phương pháp và công cụ dạy học trong mùa dịch.
“Mỗi giảng viên cần linh hoạt trong tư duy để có những cách tiếp cận phần mềm tốt nhất, đưa ra nhiều tình huống đều đáp ứng được chương trình học tập kiến thức và trải nghiệm cho sinh viên” – TS Huy nhận định.
Nguồn tin: laodong.vn
- Đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Toán sở GD&ĐT Bắc Ninh
- Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2023 môn Toán lần 1 sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu
- Đề thi thử tốt nghiệp THPT 2023 môn Toán lần 1 sở GD&ĐT Bắc Giang
- Đề thi thử TN THPT 2023 môn Toán cụm trường THPT huyện Nam Trực – Nam Định
- Đề thi thử TN THPT 2023 môn Toán lần 2 trường chuyên Hạ Long – Quảng Ninh