Uỷ ban Nhân dân TP.HCM vừa trình phương án đề xuất chi 1.541 tỷ đồng bù học phí, để mức thực đóng của phụ huynh năm nay không tăng so với năm ngoái.
Trưa 24/9, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM cho biết, UNBD Thành phố vừa gửi tờ trình lên HĐND cùng cấp về việc xây dựng nghị quyết chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Phương án trình trên dựa vào đề xuất của Sở GD&ĐT về chủ trương xây dựng các mức hỗ trợ học phí cho học sinh công lập và ngoài công lập từ năm học 2022 – 2023.
Các mức hỗ trợ được đề xuất như sau:
TP.HCM dự kiến chi hơn 1.500 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh – 1
Nhóm 1 gồm: TP Thủ Đức và 16 Quận (Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân). Nhóm 2 gồm: 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ).
Với bậc mầm non, hỗ trợ 100.000 đồng/học sinh/tháng cho các lớp nhà trẻ, 140.000 đồng/học sinh/tháng cho lớp mẫu giáo tại TP Thủ Đức và 16 quận (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân).
Với cấp THCS và học viên giáo dục thường xuyên cấp THCS, mức hỗ trợ học phí là 240.000 đồng/học sinh/tháng cho học sinh tại TP Thủ Đức và 16 quận nội thành; 70.000 đồng/học sinh/tháng cho học sinh tại 5 huyện ngoại thành (gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ).
Với cấp THPT và học viên giáo dục thường xuyên cấp THPT, mức hỗ trợ học phí là 180.000 đồng/học sinh/tháng cho học sinh TP Thủ Đức và 16 quận nội thành; 100.000 đồng/học sinh/tháng với 5 huyện ngoại thành.
Thời gian áp dụng các mức hỗ trợ học phí là 9 tháng, được tính từ đầu năm học 2022 – 2023.
Cũng theo tờ trình của UBND TP.HCM, tổng kinh phí dự trù để thực hiện chính sách hỗ trợ học phí nói trên là 1.541 tỷ đồng, trong đó 1.245 tỷ đồng hỗ trợ học phí học sinh công lập và 296 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh các trường ngoài công lập.
Tờ trình nêu rõ: “Việc hỗ trợ học phí được xem là chính sách đặc thù của thành phố nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Do đó, để có cơ sở pháp lý bố trí nguồn ngân sách triển khai các mức hỗ trợ học phí, việc xây dựng nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí là đúng thẩm quyền và là yêu cầu cần thiết”.
Trong 6 năm qua, TP.HCM không tăng học phí (mức thu năm 2021 đã được áp dụng từ 2016). Do đó, theo đánh giá của Sở GD&ĐT, khi phải điều chỉnh mức thu theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 81 năm 2021, dù áp dụng mức thấp nhất, con số này vẫn có sự chênh lệch đáng kể so với mức thu cũ, gây phản ứng trái chiều từ dư luận xã hội và phụ huynh. Bên cạnh đó, Sở đánh giá 2021-2022 là năm học “chưa có tiền lệ, gây nhiều xáo trộn đến đời sống, ảnh hưởng kinh tế của người dân”, nên cần có chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời.
Nếu đề xuất này được thông qua, chính sách hỗ trợ được áp dụng ngay từ năm học 2022 – 2023.
Nguồn tin: vtc.vn