PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, xét tuyển đại học năm 2022, thí sinh phải có sự cân bằng giữa năng lực và mong muốn, “liệu cơm gắp mắm” để đạt mục tiêu trúng tuyển.
Tuyển sinh đại học năm 2022, các trường đại học đưa ra rất nhiều phương thức xét tuyển, thí sinh nếu không nghiên cứu kỹ sẽ “thất bại” ngay từ lần đầu xét tuyển.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội giải mã “ma trận” phương thức xét tuyển năm nay giúp thí sinh tự tin hơn ngay khi đăng ký nguyện vọng.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ quan trọng
Ông nhận định thế nào về công tác tuyển sinh đại học năm nay?
- Do độ phủ vacxin ngừa Covid-19 đã đạt được ở mức rất cao, học sinh THPT sẽ tiếp tục đến trường trong học kỳ 2 và thuận lợi hơn trong việc tiếp thu, ôn luyện kiến thức. Tôi cho rằng việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh như hai năm trước đây. Bên cạnh đó, Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 sẽ giữ ổn định nguyên tắc đăng ký và xét tuyển đại học như năm trước, kèm theo một số điều chỉnh về quy trình và kế hoạch xét tuyển trong năm để đảm bảo công bằng hơn cho thí sinh.
Kết quả học tập THPT (ghi trong học bạ THPT) và kết quả thi tốt nghiệp THPT, theo tôi, vẫn là căn cứ quan trọng trong xét tuyển vào các trường đại học nói chung và vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022.
Tuy nhiên, các em thí sinh cần quan tâm đến các kỳ thi khác được tổ chức rộng rãi trong năm nay (thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) để có thêm cơ hội đăng ký xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao.
Theo thống kê hiện nay có tới 14 phương án tuyển sinh đại học trong năm 2022, tại sao các trường đại học ngày càng đưa ra nhiều phương án tuyển sinh như vậy thưa ông?
- Thực ra từ trước đến nay chỉ có 3 phương thức xét tuyển đại học cơ bản: (1) xét tuyển bằng hồ sơ học tập hoặc thành tích cá nhân (học bạ THPT, chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng…); (2) xét tuyển dựa trên kết quả của thí sinh tham dự (một lần) kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi riêng khác; (3) xét tuyển kết hợp các tiêu chí từ hai phương thức trên.
Phương thức thứ ba tạo ra những bộ tiêu chí hoặc các phương án xét tuyển đa dạng, đôi khi khá vụn vặt vì có những phương án kèm các tiêu chí mà chỉ rất ít thí sinh đáp ứng.
Việc đưa ra nhiều phương án giúp cho các trường đa dạng hóa nguồn tuyển, tạo cảm giác “yên tâm” đối với mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu cho từng chương trình đào tạo hoặc tuyển được sinh viên phù hợp cho chương trình đào tạo (thí dụ chương trình dạy-học bằng tiếng Anh).
Tuy nhiên, các trường có nghĩa vụ giải trình trước thí sinh và xã hội về sự tương đương giữa các phương án xét tuyển vào cùng một ngành/chương trình đào tạo để đảm bảo sự công bằng tương đối cho thí sinh.
Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một tiêu chí xét tuyển
Việc xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, khiến nhiều thí sinh thiệt thòi. Vì sao các trường đại học lại “chuộng” các chứng chỉ quốc tế như vậy? Có phải điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng không được các trường đại học lựa chọn để xét tuyển?
- Giá trị đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL là không thể phủ nhận. Trong thực tế, việc đạt được mức IELTS 6.0 (và cao hơn) đòi hỏi người học phải nỗ lực ôn luyện trong một thời gian dài về từ vựng, cấu trúc ngữ pháp và trau dồi các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết.
Điều này thể hiện tinh thần bền bỉ, tính chăm chỉ và quyết tâm của thí sinh. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo có tính quốc tế hóa cao yêu cầu sinh viên phải có năng lực sử dụng ngoại ngữ ở mức độ nhất định ngay từ học kỳ đầu tiên. Đó là lý do các trường muốn sử dụng tiêu chí này, kết hợp với tiêu chí về học lực để kết hợp xét tuyển vào một số ngành đào tạo.
Một điều dễ nhận thấy là học sinh ở khu vực đô thị có điều kiện thuận lợi để học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hơn so với học sinh ở khu vực nông thôn. Điều này tạo ra một cuộc tranh luận rộng rãi về sự “không công bằng” khi thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ có ưu thế hơn khi xét tuyển đại học vào một số ngành/chương trình của các trường.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan rằng mỗi em học sinh cũng chỉ có quỹ thời gian tối đa dành cho toàn bộ việc học tập giống như nhau mà thôi.
Theo tôi, các trường đại học không tuyệt đối hóa giá trị của chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà chỉ xem đó là một tiêu chí xét tuyển (sử dụng làm điều kiện sơ tuyển hoặc quy đổi ra điểm xét tuyển vv.). Theo quan sát của tôi, tỷ lệ nhập học trong năm 2021 đối với thí sinh trúng tuyển theo phương thức này cũng không hề cao ở nhiều trường.
Đề thi tốt nghiệp THPT hiện tại được thiết kế theo mục tiêu chính để xét công nhận tốt nghiệp THPT và dữ liệu điểm thi là cơ sở để đánh giá hiệu quả dạy-học bậc THPT tại các địa phương. Do đó, việc các trường đại học dần tăng cường áp dụng các phương thức xét tuyển có tính phân loại cao hơn (về năng lực học tập của thí sinh) là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập tới ở trên, sẽ có nhiều trường đại học vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển với số lượng chỉ tiêu chiếm tỷ trọng khá cao trong năm 2022.
Phải có sự cân bằng giữa năng lực và mong muốn
Có phải việc thực hiện quyền tự chủ khiến các trường đại học thỏa sức “tung chiêu” để hút thí sinh?
- Lãnh đạo các trường đại học đều ý thức rõ ràng rằng yếu tố chất lượng cũng quan trọng như số lượng trong công tác tuyển sinh. Đầu vào dễ dàng, chương trình học tập dễ dãi, ít thách thức sẽ có hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng sâu sắc đến uy tín và vị thế của nhà trường trong công tác đào tạo và điều quan trọng hơn, không giúp nhiều cho sinh viên phát triển các phẩm chất cá nhân khi học tập, rèn luyện tại trường.
Do đó, những giải pháp thu hút nhưng xem nhẹ tiêu chuẩn đánh giá năng lực học tập của thí sinh sẽ chỉ mang tính nhất thời. Đặc biệt, việc tung ra “chiêu trò” chắc chắn sẽ không thuyết phục và không thu hút được thí sinh giỏi đăng ký xét tuyển.
Thí sinh và phụ huynh đang rất hoang mang như lạc vào “ma trận” tuyển sinh đại học năm nay nếu không tính toán kỹ sẽ thất bại ngay từ vòng xét tuyển đầu, ông có lời khuyên gì với họ?
- Tôi chia sẻ sự lo lắng, bối rối này với các em học sinh và các phụ huynh do có sự đa dạng hơn về cách thức xét tuyển đầu vào trong Đề án tuyển sinh 2022 của các trường đại học.
Thứ nhất, các em cần có suy nghĩ lạc quan về khả năng trúng tuyển đại học khá rộng mở, bởi vì số lượng chỉ tiêu dự kiến của các trường đủ để đáp ứng với đại đa số học sinh THPT năm cuối có nguyện vọng học đại học.
Thứ hai, vẫn là câu chuyện về sự lựa chọn ngành học phù hợp bản thân và điều kiện gia đình nhưng phải có sự cân bằng giữa năng lực và mong muốn, “liệu cơm gắp mắm” để đạt mục tiêu (trúng tuyển). Ngành “hot”, trường “top” thì tính cạnh tranh rất cao và ngược lại. Do đó cần có một bản đăng ký xét tuyển vào ngành/chương trình đào tạo với danh mục và thứ tự ưu tiên được cân nhắc kỹ.
Thứ ba, việc lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển cần chú trọng những yếu tố sau đây: (1) nếu em có thành tích nổi trội, đạt các giải thưởng hoặc có năng lực chuyên biệt (học sinh giỏi trường chuyên/năng khiếu, có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ hoặc học vấn như SAT, A-Level) thì có ưu thế nếu đăng ký xét tuyển qua hồ sơ thành tích/học lực; (2) Con đường vào các ngành “hot”, trường “top” dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng chật hẹp do chỉ tiêu đối với phương thức này giảm sâu và (3) việc tham dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của hai Đại học quốc gia hoặc kỳ thi đánh giá Tư duy của trường ĐH Bách khoa HN sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho các em do có nhiều trường sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển đại học.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa thi Đánh giá tư duy vừa xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, có gây khó cho thí sinh không ông?
- Có thể nói, các chương trình đào tạo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đặc biệt là các chương trình đào tạo về kỹ thuật-công nghệ khá “kén” người học, tức là chỉ những thí sinh có năng lực học tập tốt, cần cù chịu khó, bền bỉ theo đuổi mục tiêu mới có thể thành công và nhận bằng tốt nghiệp.
Điều này là lý do Trường đang áp dụng một “thang đo” khác có tính phân loại thí sinh cao hơn, đó là kết quả của kỳ thi Đánh giá tư duy do Trường tổ chức và đã truyền thông rộng rãi với tỷ lệ chỉ tiêu đến trên 60% tổng chỉ tiêu của trường năm 2022, trong đó ưu tiên một số chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao theo phương thức này.
Khi chuẩn bị các khâu tổ chức Kỳ thi, Nhà trường đã xem xét các yếu tố địa điểm thuận lợi cho thí sinh tham dự, kỳ thi gọn nhẹ, tổ chức thi thử (trực tuyến) để thí sinh có định hướng ôn tập đúng đắn.
Tuy nhiên, Trường vẫn dành một số lượng chỉ tiêu nhất định (khoảng 20% tổng chỉ tiêu) để xét tuyển vào một số ngành/chương trình dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc này nhằm tạo điều kiện cho các em thí sinh dù không thể tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển vào một số ngành học nhất định theo Đề án tuyển sinh của Trường.
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp, thí sinh cần làm gì để trúng tuyển một cách tốt nhất?
- Sau khi các em thí sinh biết điểm thi THPT, các em có một khoảng thời gian cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp hơn. Các em cũng cần lưu ý là chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 đã giảm đi nhiều và có thể đẩy điểm chuẩn trúng tuyển lên mức cao hơn năm trước.
Với các thí sinh mà trượt đại học, theo ông họ cần làm gì để?
- Nếu thí sinh có năng lực học tập tốt (tự thân có học lực khá giỏi) mà trượt các nguyện vọng đăng ký thì các em nên kiên trì thực hiện ước mơ đại học vào năm kế tiếp, bởi vì cú “sảy chân” đáng tiếc này chỉ là do bản đăng ký xét tuyển chưa phù hợp hoặc em chưa cố gắng hết sức.
Với số còn lại, các em nên tận dụng tối đa những ưu thế của tuổi trẻ về phát triển nhận thức và thể chất để trở thành một người giỏi nghề. Đây cũng là một lựa chọn rất hợp lý.
Trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh – dantri.com.vn
TIN LIÊN QUAN
Thí sinh cần làm gì khi gặp “ma trận” phương thức xét tuyển đại học 2022?