VTED.net xin gửi đến các bạn Tạp chí Epsilon số 2
Epsilon số 1 ra mắt đã được đón nhận một cách nồng nhiệt của bạn đọc. Đó là một niềm động viên lớn lao dành cho Ban biên tập, giúp chúng tôi có thêm năng lượng, nhiệt huyết để bước tiếp trên con đường mà không hẳn chỉ có hoa hồng.
Epsilon đã nhận được một vận tốc ban đầu và một gia tốc. Bé nhưng dương. Với sự đóng góp của cộng đồng, hy vọng Epsilon sẽ giữ được nhịp và đều đặt ra mắt vào ngày 13 các tháng chẵn để phục vụ cộng đồng, đem đến một món ăn tinh thần ý vị trong một cuộc sống đang vẫn rất nhiều những món ăn. Epsilon mong muốn sẽ là một nhịp cầu để kết nối những đối tượng vốn còn xa cách nhau: lý thuyết và thực tiễn, toán học và các môn khoa học khác, giáo viên và học sinh, các nhà toán học chuyên nghiệp và những người làm toán nghiệp dư, toán hàn lâm và toán giải trí, toán cao cấp và toán sơ cấp. Vì thế, Epsilon sẽ có sự hòa quyện của những bài viết với nội dung và phong cách rất khác nhau. Ban biên tập sẽ tôn trọng cách hành văn của các tác giả mà không áp đặt ý kiến của mình, chỉ chỉnh sửa để cho bài tốt hơn, chính xác hơn. Epsilon số 2 mà các bạn cầm trên tay sẽ có 12 bài viết của các tác giả đến từ nhiều quốc gia, nhiều thành phần và cấp độ chuyên nghiệp. Kể từ số này, Epsilon sẽ dành những trang viết của mình để giới thiệu về tiểu sử các nhà toán học nổi tiếng thế giới, lần này sẽ là bài viết của GS Hà Huy Khoái về LoranSchwarz, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông và bài viết về thiên tài đoản mệnh Evariste Galois song hành với bài viết về Phương trình đại số của GS Ngô Bảo Châu. Cầu nối giữa toán học và khoa học máy tính trong số này sẽ được thể hiện bằng bài viết của GS Ngô Quang Hưng, ĐH Buffalo, Mỹ về nghịch đảo Mobius. Hình học sơ cấp, môn học vốn được coi là cổ xưa và già cỗi nhất sẽ như lại tươi mới dưới góc nhìn của một người yêu toán nghiệp dư, kỹ sư Đào Thanh Oai trong bài Phương pháp mở rộng và sáng tạo các định lý hình học cổ điển. Các bạn học sinh yêu toán chắc chắn sẽ tìm được nhiều điều bổ ích qua các bài viết về các bài toán thi chọn HSG quốc gia (VMO 2015) và chọn đội tuyển dự IMO 2015 (Vietnam TST 2015) của các tác giả Trần Nam Dũng, Nguyễn Tất Thu, Trần Quang Hùng. Bài bình luận của Nguyễn Văn Lợi (Budapest) và Nguyễn Hùng Sơn (Warsaw) về đề TST cũng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơnvề các bài toán trong đề thi. Đặc biệt trong số này sẽ có bài biết Inequalities, A Journey into Fibonacci and Lucas numbers của hai tác giả nước ngoài là Vandanjav Adiyasuren và Bold Sanchir đến từ ĐH QG Mông Cổ. Những ai yêu toán học giải trí sẽ được tiếp tục cuộc phiêu lưu kỳ thú vào vương quốc của những chiếc nón đủ màu sắc với người hướng dẫn viên Đặng Nguyễn Đức Tiến (Trento, Italy). Một nhà ảo thuật độc đáo khác là Nguyễn Quốc Khánh sẽ ra mắt bạn đọc một chuyên mục lý thú và bổ ích: Giới thiệu sách. Hy vọng với những bài viết như thế, mỗi độc giả đều có thể tìm được ít nhất là 10% điều mình yêu thích ở trong số này. Như thế, Ban biên tập đã cảm thấy thật mãn nguyện và cho rằng nhiệm vụ đã hoàn thành.
Và lại đủ năng lượng, nhiệt huyết để tiếp tục bước đi.
Đi nhiều người, bạn sẽ đi rất xa …
Tạp chí kỳ này gồm các nội dung sau:
1 Lời ngỏ
2 Nhân 100 năm ngày sinh Laurent Schwartz – Hà Huy Khoái
3 Phương trình đại số một ẩn số – Ngô Bảo Châu
4 Évariste Galois – Lưu Trọng Luân
5 Nghịch đảo Mobius – Ngô Quang Hưng
6 Các bài toán đội nón – Đặng Nguyễn Đức Tiến
7 Bài toán Frobenius về những đồng xu – Trần Nam Dũng – Nguyễn Tất Thu
8 Việt Nam TST 2015 – Trần Nam Dũng
9 Lời giải và bình luận hai bài hình thi chọn đội tuyển Việt Nam năm 2015 – Trần Quang Hùng
10 Các vấn đề cổ điển và hiện đại – Trần Nam Dũng
11 Bất đẳng thức Shapiro
12 Phương pháp mở rộng và sáng tạo các định lý hình học cổ điển – Đào Thanh Oai
13 A journey into Fibonacci and Lucas numbers – V. Adiyasuren – B. Sanchir
14 Toán học trong mắt ai – Nguyễn Quốc Khánh